Xem video các khóa học Nhân sự miễn phí trên Youtube. XEM NGAY

Tìm hiểu Nghị định 12/2022/NĐ-CP về Xử phạt trong lĩnh vực lao động, BHXH

Tìm hiểu Nghị định 12/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội

Nghị định 12/2022/NĐ-CP bao gồm 64 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 01 năm 2022 và sẽ thay thế hoàn toàn cho Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020. 

Tìm hiểu Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội

Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học trong Khóa học Tìm hiểu Luật lao động cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội.

Trong bài học Công việc C&B là làm gì? Mình đã cùng nhau tìm hiểu các nhiệm vụ chính khi làm công việc này bao gồm như: Nhập và quản lý Data HR, Ban hành và điều chỉnh chính sách tiền lương hàng năm, Tính và chi trả lương, Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Thuế TNCN, Đánh giá nhân viên hàng năm, Quan hệ lao động, Báo cáo tình hình nhân sự...

Vì có quá nhiều nhiệm vụ phải làm, đặc biệt là ở những công ty nhỏ, chưa chuyên môn hoá từng nghiệp vụ. Nên đôi khi chúng ta quên hoặc chưa từng tìm hiểu về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội. Khi nắm được các quy định này, sẽ giúp bạn luôn cẩn trọng hơn khi thực hiện công việc, cũng như có những cảnh báo cho Ban lãnh đạo để hạn chế những rủi ro khi không thực hiện đúng quy định của Bộ luật lao động hiện hành.

{tocify} $title={Xem Menu bài viết}

Tổng quan về Nghị định 12/2022/NĐ-CP 

Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, đối tượng xử phạt, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản, thủ tục xử phạt, việc thi hành các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nghị định này bao gồm 64 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 01 năm 2022 và sẽ thay thế hoàn toàn cho Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020. 

Một số lưu ý khi tìm hiểu NĐ 12/2022/NĐ-CP 

Với mỗi vi phạm được nhắc đến trong Nghị định này sẽ bao gồm mức phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả đi kèm. Đồng thời, bạn cần lưu ý Điều 6 - Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng: Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân; Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đồng thời, bạn sẽ cần lưu ý thêm về Thẩm quyền lập biên bản hành chính; Thẩm quyền xử phạt của từng đơn vị, cơ quan chức năng của nhà nước; Được hướng dẫn từ Điều 47 đến Điều 61. Khi đã có kiến thức về phần này, nó sẽ giúp bạn tự tin tiếp đón các đoàn thanh tra liên nghành hàng năm và tránh bị làm khó không đúng chức năng nhiệm vụ của họ.

Một số nội dung nổi bật của NĐ 12/2022/NĐ-CP 

Trong phần này, mình sẽ cùng nhau điểm qua một số nội dung nổi bật và thường gặp trong quá trình làm Nhân sự để các bạn newbie có thể hình dung. Tuy nhiên, để hiểu đúng và đủ Nghị định 12/2022 thì các bạn cần dành thời gian đọc hết và highlight lại những mục quan trọng để có thể tra cứu nhanh sau này.

Các khoản phạt nổi bật liên quan đến Tuyển dụng, Hợp đồng lao động

Một số hành vi của Người sử dụng lao động liên quan đến việc thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động; Có các hành vi: lôi kéo; dụ dỗ; hứa hẹn; quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích bóc lột, cưỡng bức lao động...Mức phạt sẽ tuỳ trường hợp từ 1 triệu đồng đến tối đa 75 triệu đồng.

Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên; Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động; Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động...Mức phạt từ 2 triệu đến tối đa 25 triệu đồng.

Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng; Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc; Thử việc quá thời gian quy định; Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó...Mức phạt từ 500k đến 5 triệu đồng.

Các khoản phạt nổi bật liên quan đến Tiền lương, Thời gian làm việc và nghỉ ngơi

Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng; Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức; Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định...Mức phạt từ 5 triệu đến 75 triệu đồng.

Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật; Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật...Mức phạt từ 2 triệu đến 75 triệu đồng.

Các khoản phạt nổi bật liên quan đến kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo nội quy lao động đến toàn bộ người lao động hoặc không niêm yết những nội dung chính của nội quy lao động ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không có nội quy lao động bằng văn bản khi sử dụng từ 10 lao động trở lên;

b) Không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật;

c) Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trước khi ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động;

d) Sử dụng nội quy lao động chưa có hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực;

đ) Xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại không đúng trình tự; thủ tục; thời hiệu theo quy định của pháp luật;

e) Tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật;

g) Trước khi đình chỉ công việc của người lao động, người sử dụng lao động không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc làm thành viên.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

a) Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;

c) Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không quy định;

d) Áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động;

đ) Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: nghỉ ốm đau; nghỉ điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ; đang bị tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật Lao động.

Và các quy định khác liên quan đến vệ sinh an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp, lao động chưa thành niên, lao động cao tuổi, lao động giúp việc...Như đã nói ở trên, bạn nên dành thời gian để đọc qua toàn bộ nội dung của NĐ 12/2022/NĐ-CP này nhé!

Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau trao đổi về các Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội. Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!

Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook