Xem video các khóa học Nhân sự miễn phí trên Youtube. XEM NGAY

Lộ trình ký Hợp đồng lao động

Lộ trình ký hợp đồng lao động như thế nào là phù hợp và đúng luật lao động? Cùng tham khảo bạn nha!

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, thì chỉ có 2 loại Hợp đồng Lao động: Xác định thời hạn và không xác định thời hạn. Vậy thì chúng ta có thể xây dựng một khung Lộ trình ký Hợp đồng lao động như thế nào cho đúng?

Lộ trình ký Hợp đồng lao động

Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học trong Khoá học C&B cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Lộ trình ký Hợp đồng lao động.

Trong một số công ty, do đặc thù tính chất công việc nên có thể sẽ được chia thành các Khối khác nhau như: Khối Vận hành sản xuất, Khối Sales, Khối Văn phòng...Việc chia nhỏ như vậy sẽ dễ ban hành các quy định, chính sách đặc thù cho phù hợp với tính chất riêng của Khối đó nhằm tạo ra hiệu suất làm việc, tạo giá trị cao nhất.

Và việc ký Hợp đồng lao động cũng vậy, sẽ tùy từng đặc thù của Khối phòng ban mà công ty sẽ ban hành một lộ trình ký Hợp đồng Lao động cho phù hợp với đặc thù riêng đó. Tuy nhiên, lộ trình ký Hợp đồng Lao động phải phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành. Cùng tham khảo bạn nhé!

{tocify} $title={Xem Menu bài viết}

Các loại hợp đồng lao động

Nội dung này mình đã cùng nhau tìm hiểu trong bài học Các loại Hợp đồng Lao động và hướng dẫn soạn thảo. Hôm nay, mình nhắc lại ở bài học này một lần nữa để các bạn có thể hiểu nội dung bài học về Lộ trình ký Hợp đồng lao động.

Theo điều 20 của Bộ luật Lao động 2019 thì chỉ còn 2 loại Hợp đồng lao động là Hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng không xác định thời hạn.

- Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

Bổ sung hình thức Hợp đồng lao động điện tử: Theo điều 14 của Bộ luật Lao động 2019, thay vì trước đây chỉ có hình thức ký hợp đồng lao động bằng văn bản hoặc lời nói. Thì việc bổ sung hình thức ký Hợp đồng lao động điện tử được coi là một bước tiến khi ứng dụng công nghệ theo đúng xu hướng. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế thì còn phải chờ hướng dẫn chi tiết của Nghị định, thông tư.

Phụ lục Hợp đồng lao động không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động: Theo điều 22 của Bộ luật Lao động 2019, Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động. Điều này có nghĩa là Công ty không thể dùng phụ lục để thay đổi thời hạn kết thúc của Hợp đồng lao động nữa.

Lộ trình ký Hợp đồng lao động

Như nội dung trên, thì chỉ có 2 loại Hợp đồng Lao động: Xác định thời hạn và không xác định thời hạn. Vậy thì chúng ta có thể xây dựng một khung Lộ trình ký Hợp đồng lao động tham khảo như sau:

- Hợp đồng thử việc: 2 tháng

- Hợp đồng xác định thời hạn lần 1: Từ 12 đến 36 tháng tùy theo Công ty quyết định. Nếu không xác định vị trí đó là lâu dài thì chọn mốc 36 tháng, ngược lại thì chọn mốc 12tháng.

- Hợp đồng xác định thời hạn lần 2: Từ 12 đến 36 tháng tùy theo Công ty quyết định. 

- Hợp đồng không xác định thời hạn: Không xác định thời hạn kết thúc.

Có nghĩa là xuyên suốt quá trình làm việc của Người lao động, Công ty sẽ ký 4 lần Hợp đồng lần lượt là: Hợp đồng thử việc 2 tháng -> Hợp đồng xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng (Tối đa 2 lần) -> Hợp đồng không xác định thời hạn. Và tất nhiên, công ty có quyền bỏ qua các bước đầu như bỏ thời gian thử việc mà ký luôn hợp đồng chính thức.

Có thể Ký hợp đồng lao động 1 tháng đến dưới 12 tháng không?

Tất nhiên là công ty có thể ký Hợp đồng xác định thời hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng bạn nhé! Tuy nhiên, phải cân nhắc lý do tại sao lại cần phải ký theo khung thời gian này. Bởi vì bạn chỉ được ký thêm 1 lần hợp đồng xác định thời hạn, tức là tối đa 2 lần; Sau đó phải ký tiếp Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Trước 1/1/2021 thì nếu Hợp đồng từ 1 tháng đến dưới 12 tháng được gọi là Hợp đồng mùa vụ / thời vụ, nhưng nay đã bỏ loại Hợp đồng này. Thường chúng ta sẽ dùng để ký trong trường hợp như lao động ngắn hạn làm thay thế tạm thời như: thay nhân sự nghỉ thai sản, nhân sự nghỉ việc riêng dài ngày...

Và có một lưu ý là khi ký Hợp đồng từ 1 tháng trở lên thì phải đóng BHXH bắt buộc bạn nhé! Điều này được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014, có hiệu lực từ từ ngày 1/1/2018. Còn nếu Hợp đồng có thời hạn từ 3 tháng trở lên thì phải đóng thêm BHYT và BHTN.

Lao động dưới 1 tháng thì ký Hợp đồng Lao động thế nào?

Theo khoản 2 điều 14 Bộ luật Lao động 2019, Người lao động được tuyển làm thời vụ dưới 1 tháng thì có thể giao kết bằng lời nói mà không bắt buộc phải ký bằng văn bản. Đồng thời không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Một số công ty đang thực hiện ký với Người lao động thời vụ dưới 12 tháng bằng các loại hợp đồng như là: Hợp đồng khoán việc, Hợp đồng dịch vụ...Điều này đúng hay không và các rủi ro pháp lý ra sao? Mình sẽ cũng nhau tìm hiểu vào một bài học khác để cùng phân tích sâu hơn bạn nhé!

Khi Hợp đồng Lao động hết hạn mà chưa ký tiếp thì xử lý ra sao?

Một số Người lao động lo lắng khi đã hết hạn Hợp đồng Lao động nhưng chưa thấy công ty ký tiếp với mình. Điều này được làm rõ và quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Bộ luật Lao động 2019: Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;

b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Công ty được ký tối đa mấy lần Hợp đồng lao động có xác định thời hạn?

Cũng theo Khoản 2 Điều 20 của Bộ luật Lao động 2019: Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Như vậy thì Công ty chỉ được ký tối đa 2 lần Hợp đồng có xác định thời hạn với Người lao động. Cho nên là người làm C&B, bạn cần có file theo dõi thời gian hết hạn Hợp đồng lao động. Hiện tại mà các Công ty đang sử dụng phần mềm thì việc này khác đơn giản, nhưng nếu Công ty bạn vẫn còn quản lý Data HR trên excel thì bạn cần thiết lập file theo dõi riêng. Nó sẽ giúp bạn thực hiện gia hạn trước Hợp đồng trước khi kết thúc để tránh các phát sinh ngoài mong muốn; Cũng như tạo sự yên tâm cho Người lao động.

Công ty có cần báo trước với NLĐ khi Hợp đồng lao động hết hạn hay không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 BLLĐ năm 2019 có hiệu lực từ 01/01/2021, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động hết thời hạn. Như vậy, từ năm 2021, doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc hết hạn hợp đồng và Công ty sẽ không ký tiếp với họ.

Tuy nhiên, Luật mới không ràng buộc số ngày tối thiểu mà không ty phải báo trước cho Người lao động như quy định cũ trong Bộ luật Lao động 2012 là 15 ngày. Điều này sẽ ít nhiều gây khó khăn cho Người lao động nếu không theo dõi Hợp đồng của mình. Bởi vì khi hết hạn Hợp đồng và Công ty không ký tiếp thì đương nhiên là Hợp đồng Lao động đã ký hết hiệu lực, Người lao động phải đi tìm việc khác.

Không biết trong thời gian tới thì Bộ luật Lao động 2019 có bổ sung thêm hướng dẫn gì cho việc này hay không. Mình sẽ update thêm nếu có thông tin mới bạn nhé!

Trên đây là nội dung bài học về Lộ trình ký Hợp đồng Lao động sao cho phù hợp với thực tế Công ty và đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Lao động. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc đóng góp nào về nội dung bài học vui lòng để lại comment bên dưới, mình sẽ giải đáp cho các bạn trong thời gian sớm nhất. Cám ơn bạn đã tham gia Khóa học Nghề C&B cơ bản cho người mới.

Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook