Xem video các khóa học Nhân sự miễn phí trên Youtube. XEM NGAY

Cách đọc và hiểu Bộ luật Lao động

Hướng dẫn cách đọc và nắm bộ luật lao động một cách dễ dàng và chính xác nhất

Khi mới đọc Bộ luật Lao động thì mình thường phạm sai lầm là chỉ đọc qua loa, không đi sâu tìm hiểu bản chất. Vậy có cách nào để dễ tiếp nhận hơn không?

Cách đọc và hiểu Bộ luật Lao động

Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học trong Khoá học C&B cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Cách đọc và hiểu Bộ luật Lao động.

Để bắt đầu đúng công việc C&B cho người mới, thì bạn cần phải nắm rõ và dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đó chính là Bộ luật Lao động. Bao gồm các quy định, hướng dẫn hoặc bắt buộc làm theo như: Quy định về hợp đồng lao động, thời gian làm việc, lương thưởng, giải quyết quan hệ lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể...

Tuy nhiên, từ kinh nghiêm thực tế mình thấy là đa số các newbie (người mới) thường phạm sai lầm là chỉ đọc qua loa, không đi sâu tìm hiểu bản chất. Vì mình cũng đã từng phạm sai làm như thế. Lý do thì quá dễ hiểu, bởi vì văn bản luật luôn có rất nhiều chữ, nên chúng ta lười đọc, hoặc đọc một chút là buồn ngủ rồi.

Lúc mới bắt đầu, mình cũng từng mua một cuốn Luật lao động để đọc, nhưng không thể thẩm thấu nổi. Nên ăn gian bằng cách đọc lướt cho nhanh, dẫn đến việc hiểu sai hoặc hiểu không đầy đủ nội dung. Đồng thời có nhiều bạn không phân biệt được bộ luật nào đang có hiệu lực sẽ dẫn đến các thông tin chồng chéo và khó khăn trong việc tìm hiểu.

Vậy thì làm sao để vượt qua rào cản này, có bí quyết gì để có thể đọc hiểu Bộ luật lao động một cách nhanh chóng và chính xác? Cùng tham khảo vài bí quyết mà mình đã có được trong quá trình đi học và thực tế đi làm để bạn áp dụng xem có hiệu quả hơn không nhé!

{tocify} $title={Xem Menu bài viết}

Ngày ký và ngày hiệu lực của Bộ Luật Lao động 

Để đảm bảo là bạn đang đọc bộ Luật lao động mới nhất, thì đầu tiên là bạn cần xem ngày ký và ngày có hiệu lực. Hai ngày này không giống nhau. Ví dụ Bộ Luật Lao động mới nhất ký ban hành vào ngày 20/11/2019 nhưng ngày có hiệu lực áp dụng là ngày 1/1/2021.

Điều này có nghĩa là tại thời điểm bạn đọc bài viết này là năm 2020 thì Bộ Luật Lao động mới vẫn chưa có hiệu lực. Bộ luật đang có hiệu lực được ban hành vào ngày 18/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/05/2013 đến nay và sẽ bị thay thế bởi Bộ Luật Lao động mới có hiệu lực vào ngày 01/01/2021.

Các điều, khoản, điểm trong Bộ Luật Lao động

Thông thường khi bạn đọc và trích dẫn văn bản luật thì bạn sẽ đọc theo thứ tự điều, khoản, điểm hoặc đọc theo thứ tự ngược lại. Không có quy định bắt buộc nào về điều này. Bạn có thể tham khảo cách trích dẫn như sau: Căn cứ vào điều 38, khoản 2, điểm a của Bộ luật Lao động 2012 thì người sử dụng lao động phải báo trước 45 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đang ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Việc trích dẫn chi tiết như vậy sẽ giúp người đọc, người tiếp nhận thông tin dễ dàng tra cứu nội dung trong Bộ luật Lao động. Nếu bạn tra cứu văn bản Luật trên file word thì sẽ tìm điều số mấy bằng Ctrl F, khi tìm được rồi mình sẽ tiếp tục tìm khoản số mấy, và tiếp theo là điểm a, b, c,...

Văn bản luật và văn bản dưới luật

Bạn không cần nghiên cứu quá sâu để tránh bị rối, nhưng cần nắm được thông tin cơ bản như sau để có cái nhìn tổng quan về hệ thống văn bản Luật nói chung và Bộ luật Lao động nói riêng:

- Bộ luật Lao động: Được coi là văn bản Luật Do Quốc hội ký quyết định ban hành. Vậy thì Bộ luật Lao động sẽ do Quốc hội nước CHXH CN Việt Nam ban hành.

- Nghị định: Là các văn bản dưới luật do Chính phủ ban hành nhằm bổ sung hoặc làm rõ các nội dung trong văn bản Luật. Chẳng hạn Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được ký vào ngày 12/01/2015 nhằm làm rõ hơn một số nội dung của Bộ luật Lao động 2012 bởi Chính phủ.

- Thông tư: Cũng là văn bản dưới Luật do nhà nước ban hành thuộc phạm vi của một bộ, nghành hoặc cơ quan ngang bộ nhằm hướng dẫn và làm rõ hơn nữa nội dung của nghị định. Ví dụ Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn rõ hơn về thời gian làm việc, làm thêm giờ mà Nghị định số 05/2015/NĐ-CP chưa làm rõ. Và Thông tư này do Bộ LĐTBXH ban hành ngày 16/12/2015 và có hiệu lực ngày 10/02/2016.

Vậy thì mình có thể tóm lại dễ hiểu hơn là Nghị định sẽ được ban hành để làm rõ hơn quy định của Luật. Và thông tư thì sẽ làm rõ hơn các quy định của Nghị định. Vậy thì để không bị hiểu sai luật, thì khi tra cứu thông tin bạn cần tìm hiểu là có văn bản dưới luật như nghị định, thông tư nào được ban hành kèm theo trong thời điểm bạn tra cứu hay không.

Một số bạn không có kinh nghiệm đọc văn bản Luật Lao động thì thường gặp sai lầm ở chổ này, dẫn đến nắm sai hoặc không đầy đủ thông tin và kéo theo là xử lý trái quy định của Luật với người lao động gây hậu quả nghiêm trọng về sau.

Hy vọng qua bài học này, bạn đã có cái nhìn tổng quan hơn về cách đọc và nắm Bộ luật Lao động một cách dễ dàng và chính xác hơn. Nếu bạn có khó khăn hay bất kỳ thắc mắc nào thì vui lòng để lại comment bên dưới bài viết, mình rất vui và sẵn lòng hỗ trợ bạn trong điều kiện và kiến thức cho phép. Cám ơn bạn đã tham gia khóa học.

Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook