Xem video các khóa học Nhân sự miễn phí trên Youtube. XEM NGAY

Có được trừ lương người lao động khi xử lý kỷ luật?

Có được trừ lương người lao động khi xử lý kỷ luật? Kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất có được áp dụng đồng thời không?

Nếu người lao động gây thiệt hại vật chất và công ty chứng minh được lỗi do người lao động gây ra thì làm sao để truy thu số tiền này nếu không được trừ lương?

Kỷ luật lao động và Trách nhiệm vật chất có được áp dụng đồng thời không?

Chào mừng các bạn đang đến với series Hỏi đáp Nghề Nhân sự cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Có được trừ lương người lao động khi xử lý kỷ luật? Kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất có được áp dụng đồng thời không?

Tuần này, mình có nhận được một câu hỏi của bạn học viên thông qua kênh Podcast của HRVN ACADEMY. Tuy nhiên bạn không để lại email nên mình không thể phản hồi lại cho bạn được. Vì vậy nên mình quyết định bổ sung bài học ngày hôm nay để trả lời câu hỏi của bạn. Vì mình nghĩ đây cũng sẽ là thắc mắc chung của nhiều bạn newbie khác khi tìm hiểu về Xử lý kỷ luật trong quan hệ lao động.

Câu hỏi của bạn như sau: Trong bài học Quy trình xử lý kỷ luật lao động có nhắc đến Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động bao gồm việc Không được Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động...Vậy nếu người lao động gây thiệt hại vật chất và công ty chứng minh được lỗi do người lao động gây ra thì làm sao để truy thu số tiền này nếu không được trừ lương?

Nếu bạn chưa xem 2 bài học Quy trình xử lý kỷ luật lao động và Trách nhiệm bồi thường vật chất trong quan hệ lao động, thì nên quay lại xem để có thể nắm đầy đủ các căn cứ pháp lý để có thể tiếp tục bài học này bạn nhé!

{tocify} $title={Xem Menu bài viết}

Kỷ luật lao động là gì?

Kỷ luật lao động có thể hiểu đơn giản là các biện pháp mà người sử dụng lao động áp dụng để xử lý người lao động khi họ vi phạm Nội quy lao động của công ty hoặc cao hơn là theo Bộ luật Lao động hiện hành.

Kỷ luật lao động được quy định và hướng dẫn từ Điều 117 đến Điều 128 trong Bộ luật Lao động 2019 đang có hiệu lực đến thời điểm này. Căn cứ vào vi phạm của người lao động tương ứng với cấp độ lỗi đã được quy định trong nội quy lao động; Mà công ty có thể áp dụng các hình thức kỷ luật từ thấp đến cao: Khiển trách, Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, Cách chức, Sa thải.

Ba nguyên tắc vàng để Xử lý kỷ luật lao động mà bạn cần nhớ kỹ đó là: đúng trình tự, đầy đủ thủ tục, đảm bảo trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động. Nếu bạn không tuân thủ thì sẽ dễ phát sinh rủi ro khiếu nại về sau của người lao động rất phức tạp.

Đồng thời, bạn cũng cần nắm rõ Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Điều 127 của Bộ luật Lao động 2019 như: Không được Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động; Không được Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động...

Trách nhiệm bồi thường vật chất trong quan hệ lao động là gì?

Trong quá trình làm việc, sẽ có các phát sinh về việc Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Trách nhiệm vật chất ở đây được xét trong quan hệ lao động, tức là giữa công ty và người lao động. Và để truy cứu trách nhiệm vật chất đối với người lao động thì người sử dụng lao động phải chứng minh được thiệt hại xảy ra đối với tài sản thuộc phạm vi của mình có quyền.

Để xử lý Trách nhiệm bồi thường vật chất trong quan hệ lao động thì đầu tiên công ty phải chứng minh người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động như: không hoàn thành nghĩa vụ được giao hoặc thực hiện sai các nghĩa vụ đó, vi phạm các quy định của pháp luật và nội quy lao động dẫn đến thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định.

Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, để có thể yêu cầu người lao động chịu trách nhiệm bồi thường vật chất trong quan hệ lao động thì người sử dụng lao động phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục xử lý Trách nhiệm bồi thường vật chất theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật Lao động và Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Có được trừ lương người lao động khi xử lý kỷ luật? Kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất có được áp dụng đồng thời không?

Như mình đã trình bày ở trên về Kỷ luật lao động và Trách nhiệm vật chất thì chắc các bạn đã phân biệt được điểm giống và khác nhau rồi đúng không nào?

Điểm giống nhau: Kỷ luật lao động và Trách nhiệm vật chất đều là những quy định ràng buộc các trách nhiệm liên quan nếu người lao động trong quá trình làm việc vi phạm.

Khác nhau: Kỷ luật lao động được áp dụng khi người lao động có hành vi vi phạm nội quy lao động công ty hoặc cao hơn là quy định trong Bộ luật lao động. Còn khi Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì sẽ phải chịu trách nhiệm vật chất liên quan.

Và nếu hành vi vi phạm của người lao động có quan hệ nhân quả, hoặc còn dẫn đến việc phát sinh thiệt hại cho công ty dựa trên những bằng chứng cụ thể, chi tiết thì có thể người lao động sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định và phải chịu thêm trách nhiệm vật chất đi kèm với thiệt hại do họ gây ra.

=> Đây cũng là câu trả lời cho thắc mắc của bạn học viên.

Một ví dụ đơn giản về quy định không được phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý KLLĐ

Người lao động thường xuyên đi làm trễ, dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không khắc phục. Sau khi thu thập đầy đủ bằng chứng, công ty đã tiến hành các thủ tục họp và ra quyết định xử lý kỷ luật.

Theo nội quy công ty, việc người lao động đi trễ liên tục từ 5 ngày trở lên trong tháng mà không có lý do chính đáng thì sẽ chịu hình thức xử lý kỷ luật là Khiển trách bằng văn bản. Nên nếu trường hợp này mà công ty phạt trừ vào lương bạn 10k/lần đi trễ là trái quy định.

Nội dung bài học tiếp theo

Trong bài học tiếp theo, mình sẽ tiếp tục cùng nhau phân tích các tình huống liên quan đến quan hệ lao động, luật lao động. Các bạn nhớ đón xem hàng tuần trên kênh Youtube HRVNN ACADEMY các bạn nhé!

Trên đây là một số nội dung chính liên quan đến Khi nào được trừ lương người lao động? Kỷ luật lao động và Trách nhiệm vật chất có được áp dụng đồng thời không? Bài học này cũng là câu trả lời cho thắc mắc của bạn học viên gửi về.

Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!

Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook