Xem video các khóa học Nhân sự miễn phí trên Youtube. XEM NGAY

Hướng dẫn tính thuế Thu nhập cá nhân

Chúng ta cùng đi vào chi tiết cách tính thuế TNCN cho người mới, bao gồm cách đăng ký mã số thuế, đăng ký giảm trừ gia cảnh, ví dụ về cách tính thuế

Chúng ta cùng đi vào chi tiết cách tính thuế TNCN cho người mới, bao gồm cách đăng ký mã số thuế, đăng ký giảm trừ gia cảnh, ví dụ về cách tính thuế TNCN...

Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học trong Khoá học C&B cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Hướng dẫn tính thuế Thu nhập cá nhân.

Trong bài học trước, mình đã cùng nhau tìm hiểu về Luật Thuế Thu nhập cá nhân, các căn cứ pháp lý, cũng như mức đóng thuế đối với từng đối tượng khác nhau, biểu thu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến. Và bây giờ, chúng ta cùng đi vào chi tiết cách tính thuế TNCN cho người mới.

Thực tế thì rất nhiều công ty đã áp dụng tính lương bằng phần mềm, nên phần tính thuế TNCN này sẽ rất đơn giản và được thực hiện hoàn toàn tự động. Tuy nhiên, bạn cần phải biết cách tính trên excel để hiểu rõ cách tính và bản chất thuế TNCN, để dù là làm trên công cụ nào thì bạn vẫn control được nhé!

{tocify} $title={Xem Menu bài viết}

Cách đăng ký mã số Thuế TNCN

Theo khoản 5 Điều 6 Thông tư 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016:Cơ quan nộp thuế có trách nhiệm đăng ký thuế đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và đăng ký thuế cho người phụ thuộc mỗi năm một lần tại thời điểm tối thiểu là 10 ngày làm việc trước thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng năm.

Tuy nhiên, theo cá nhân mình thì trước thời điểm công ty quyết toán thuế TNCN, mình nên đăng ký trước mã số thuế từ 20 đến 30 ngày để tránh phát sinh quá tải hệ thống, cũng như điều chỉnh kịp thời các sai sót. Và đây là thời điểm mà tất cả các công ty đều làm công tác này.

Lưu ý: Đăng ký mã số thuế TNCN là bước thực hiện cho những nhân viên chưa có mã số Thuế TNCN, còn nếu người lao động đã có rồi thì không cần đăng ký bạn nhé!

Để đăng ký mã số thuế TNCN cho nhân viên, bạn cần có CMND photo của họ và giấy ủy quyền đăng ký mã số thuế TNCN theo mẫu (Xem mẫu)

Cách 1/ Đăng ký cho số lượng ít thì bạn chỉ cần truy cập https://thuedientu.gdt.gov.vn/ bằng tài khoản chữ ký số công ty và đăng ký trực tiếp trên website này.

Cách 2/ Đăng ký cho số lượng nhiều thì bạn cần tải phần mềm hỗ trợ kê khai thuế (HTKK) và nhớ chọn phiên bản mới nhất để cài lên máy tính của bạn. Sau khi hoàn tất, bạn sẽ gửi đăng ký qua trang thuedientu.gdt.gov.vn và chờ kết quả trả về sau vài giờ.

Đăng ký giảm trừ gia cảnh

Người lao động cần chuẩn bị các giấy tờ sau: Bản sao CCCD / CMND, giấy khai sinh hoặc giấy tờ liên quan của người phụ thuộc; Kèm văn bản ủy quyền đăng ký người phụ thuộc.

Sau đó, công ty sẽ tổng hợp các hồ sơ đăng ký thuế của người phụ thuộc vào Tờ khai đăng ký thuế tổng hợp cho người phụ thuộc của cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công theo mẫu số 20-ĐKT-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 95/2016/TT-BTC của Bộ tài chính.

Hình thức đăng ký online trên trang thuedientu.gdt.gov.vn bằng tài khoản chữ ký số của công ty. Chọn mục Đăng ký thuế - Đăng ký mới thay đổi thông tin của cá nhân - Chọn "20-ĐK-TH-TCT Tờ khai đăng ký thuế tổng hợp cho người phụ thuộc của cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công...". Bạn sẽ nhận lại kết quả sau vài giờ.

Mức tính thuế TNCN

Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x % Thuế suất

Mức thuế TNCN của người lao động là cá nhân không cư trú tại Việt Nam: Mức thuế 20%

Mức thuế TNCN của người lao động ký HĐLĐ dưới 3 tháng: Mức thuế 10%, nếu thu nhập thực nhận từ 2 triệu trở lên.

Mức thuế TNCN của người lao động ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên: Theo biểu thuế lũy tiến từ 5% đến 35%

Biểu thuế TNCN

(Biểu thuế lũy tiến từng phần theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC)

Ví dụ tính thuế TNCN đơn giản

Mình cùng nhau đi vào lần lượt 2 ví dụ cho 2 tình huống khác nhau, để các bạn mới tìm hiểu về Thuế TNCN lần đầu sẽ dễ dàng hình dung. Và bạn có mong muốn tìm hiểu sâu sẽ không bị rối và dễ dàng nắm thông tin hơn.

Ví dụ 1: Nhân viên A ký hợp đồng thời vụ 15 ngày với mức lương 3 triệu đồng. Vậy mức thuế TNCN sẽ khấu trừ là: 3 triệu x 10%  = 300,000 đồng.

Ví dụ 2: Nhân viên B đang ký hợp đồng lao động 36 tháng, với thu nhập bao gồm các khoản sau:

- Tiền lương theo bậc: 20.000.000 đồng (Mức đóng BHXH)

- Phụ cấp tiền ăn giữa ca: 730.000 đồng (Không chịu thuế)

- Phụ cấp điện thoại: 500.000 đồng (Chịu thuế)

- Thưởng KPI: 5 triệu

- Có 1 người phụ thuộc đã đăng ký thành công

- Tổng thu nhập = 20tr + 730k + 500k + 5tr = 26tr230 (1)

Vậy thu nhập tính thuế của nhân viên B được tính như sau:

- Mức khấu trừ Bảo hiểm bắt buộc: = 20tr x 10,5% = 2,1tr

- Mức thu nhập không chịu thuế: 11tr + 4.4tr (người phụ thuộc) = 15,4 tr

- Tổng thu nhập không chịu thuế = 2,1tr + 15,4tr + 730k = 18tr230 (2)

Thu nhập tính thuế = (1) - (2) = 26tr230 - 18tr230 = 8tr

Đối chiếu vào biểu thuế lũy tiến ở trên, thì 5 triệu đầu tiên sẽ tính thuế 5% và 3tr còn lại tính thuế 10% là: = 5tr x 5% + 3tr x 10% = 550k

Trên đây là một số hướng dẫn về công tác đăng ký và tính thuế TNCN tại doanh nghiệp. Bạn có thể xem lại các căn cứ pháp lý trong bài học Tìm hiểu Luật thuế TNCN và Các khoản phụ cấp nào không đóng BHXH và thuế TNCN, để có thể nắm được các khoản nào từ lương phải đóng và không đóng thuế TNCN.

Bài học này không bao gồm chi tiết từng bước nhỏ cách thực hiện, mà mình chỉ muốn vạch ra cho các bạn những lộ trình, những kiến thức mà một bạn làm C&B cần biết. Bạn kết hợp thêm với việc tra cứu thêm nhiều bài hướng dẫn chi tiết cách thực hiện có rất nhiều trên internet.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay đóng góp nào, vui lòng để lại comment bên dưới. Mình sẽ trả lời cho các bạn trong thời gian sớm nhất.

Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook