Xem video các khóa học Nhân sự miễn phí trên Youtube. XEM NGAY

Tìm hiểu về ca làm việc (shift)? Các lưu ý khi sắp xếp ca làm việc trong công ty

Tìm hiểu về ca làm việc (shift)? Các lưu ý khi sắp xếp ca làm việc trong doanh nghiệp

Trong thực tế đi làm, chúng ta sẽ hay nghe về ca hành chính, ca xoay, ca luân phiên, ca đêm...Dù công ty bố trí người lao động đi làm theo ca nào, thì cũng đều phải tuân thủ các nguyên tắc hướng dẫn của Điều 105 Bộ luật Lao động 2019.

Tìm hiểu về ca làm việc

Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học Tìm hiểu về Bộ luật Lao động cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Tìm hiểu về ca làm việc (shift)? Các lưu ý khi sắp xếp ca làm việc trong doanh nghiệp

Tuỳ theo từng đặc thù nghành nghề khác nhau, mỗi công ty sẽ có những quy định về thời gian làm việc và nghỉ ngơi khác nhau. Nếu công ty chỉ có nhân viên khối văn phòng và làm ca hành chính thì khá đơn giản; Nhưng với những công ty sản xuất hoặc dịch vụ làm việc 24/7 và làm ca xoay luân phiên, ca đêm...thì cần phải nắm nhiều quy định của Luật hơn để đảm bảo thực hiện đúng. Mình cùng tìm hiểu trong bài học ngày hôm nay bạn nhé!

{tocify} $title={Xem Menu bài viết}

Các định nghĩa về ca làm việc (shift)

Theo Điều 63 NĐ145/2020 thì Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.

Ca hành chính: Đây là một khái niệm chúng ta hay dùng trong khi đi làm. Nó không có định nghĩa chính xác hoàn toàn; Tuy nhiên có thể hiểu khi nhắc đến ca hành chính sẽ được hiểu đó là ca làm việc 8 giờ/ngày chưa bao gồm thời gian nghỉ trưa, thường sẽ bắt đầu khoảng từ 8h sáng đến muộn nhất là 6h chiều. Khi nói ai đó làm ca hành chính thì thường sẽ có ngày nghỉ hàng tuần là chủ nhật, hoặc cả thứ 7 và chủ nhật.

Trong thực tế đi làm, chúng ta sẽ hay nghe về ca hành chính, ca xoay, ca luân phiên, ca đêm...Dù công ty bố trí người lao động đi làm theo ca nào, thì cũng đều phải tuân thủ các nguyên tắc hướng dẫn của Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết.

  • Nếu quy định thời gian làm việc theo ngày: Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
  • Nếu quy định thời gian làm việc theo tuần: Thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Tuỳ theo đặc thù mà công ty sẽ chọn quy định thời gian làm việc theo ngày hoặc theo tuần. Và mình thấy thì đa số các công ty, đặc biệt là các công ty làm việc theo ca xoay sẽ chọn thời gian làm việc theo tuần. Tức là trên Hợp đồng lao động sẽ quy định thời gian làm việc là 48 giờ/tuần.

Công ty có được sắp xếp ca làm việc 12 giờ/ngày 

Như đã trích dẫn ở trên, nếu  người sử dụng lao động quy định thời gian làm việc theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không được quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Có nghĩa là công ty chỉ được sắp xếp ca làm việc tối đa 10 giờ/ngày và tổng thời gian của tuần làm việc là 48 giờ. Ví dụ, ca làm việc anh A có 3 ngày làm ca 10 tiếng/ngày, và 3 ngày còn lại chỉ làm 6 tiếng/ngày.

Nếu công ty sắp xếp ca cho người lao động là 12 tiếng/ngày, đồng nghĩa 2 tiếng còn lại công ty phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 55 NĐ145/2020 như sau:

Tăng ca vào ngày thường: Công ty phải trả ít nhất bằng 150% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm tính trên số giờ làm thêm quy đổi. Mình ví dụ: Thứ 2 là ngày làm việc bình thường của nhân viên A, sau khi hết giờ làm việc chính, anh A tăng ca theo yêu cầu thêm 4 tiếng. Vậy thì 4 tiếng tăng ca này sẽ được tính 150% mức lương quy đổi theo giờ của anh A.

Tăng ca vào ngày nghỉ hằng tuần: Công ty phải trả ít nhất bằng 200% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm tính trên số giờ làm thêm quy đổi. Lưu ý là ngày nghỉ hàng tuần có thể không phải là chủ nhật nếu công ty quy định ngày nghỉ không cố định bạn nhé!

Trong thực tế thì một số công ty vẫn ngầm thoả thuận riêng với người lao động về thời gian làm việc này. Chẳng hạn có nhiều công ty làm 12h/ngày nhưng vẫn không trả thêm lương ngoài giờ mà tính vào lương thoả thuận lúc phỏng vấn; Hoặc do tính chất đặc thù, một số công ty bảo vệ thường xếp ca cho nhân viên làm 24 giờ và nghỉ 24 giờ.

Các lưu ý khi sắp xếp ca làm việc, thời gian nghỉ ngơi, ngày nghỉ hàng tuần

Lưu ý đầu tiên, đó là phải thông báo cho người lao động biết về thời giờ làm việc theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 105 BLLĐ 2019. Thông thường, công ty sẽ phải có sự trao đổi ngay từ đầu với người lao động khi tuyển dụng, và thoả thuận trong Hợp đồng lao động, trong Nội quy lao động hoặc Thỏa ước lao động tập thể.

Và theo Điều 109 đến 111 Bộ luật Lao động 2019; Điều 63, 64 NĐ 145/2020 hướng dẫn về thời gian nghỉ ngơi, nghỉ hàng tuần như sau:

  • Người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm.
  • Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc, ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.
  • Người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.
  • Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.
  • Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
  • Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
  • Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.

Các quy định về làm thêm giờ (Overtime)

Trong bài học Thế nào là làm tăng ca (Overtime)? Lương tăng ca được trả thế nào? mình đã có nhắc đến thế nào là làm thêm giờ (hay gọi là tăng ca); Đây có phải là yêu cầu bắt buộc hay không? Bạn có thể xem lại để nắm thêm các thông tin liên quan nhé!

Theo Điều 107 Bộ luật lao động năm 2019: Công ty được yêu cầu người lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý của người lao động và đảm bảo không vượt quá số giờ, và phải trả lương làm ngoài giờ theo Luật quy định.

Và cũng theo Điều 107 Bộ luật lao động năm 2019: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 4 giờ/ngày (tổng giờ làm việc không quá 12 giờ/ngày) và 40 giờ/tháng và 200 giờ/năm; Và không quá 300 giờ/năm đối với trường hợp sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;...

Và theo Điều 60 Nghị định 145/2020 đã hướng dẫn cụ thể về Giới hạn số giờ làm thêm như sau:

  • Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường.
  • Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
  • Trường hợp làm việc không trọn thời gian thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
  • Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.

Như vậy, trong trường hợp yêu cầu làm thêm giờ thì công ty chỉ được yêu cầu người lao động làm việc tối đa 12 giờ/ngày (Bao gồm cả thời gian làm việc bình thường và làm thêm giờ của ngày hôm đó).

Thực tế ở một số công ty, việc tăng ca như một luật bất thành văn; Nhìn ở góc độ tích cực thì có những lúc ế đơn hàng và có những lúc nhiều đơn hàng gấp nên rất cần sự chung tay của người lao động. 

Cũng theo quy định mới tại Bộ luật Lao động 2019 và NĐ 145/2020 thì không còn khái niệm nghỉ bù sau khi làm thêm giờ như quy định trước đây. Và khái niệm nghỉ bù chỉ còn áp dụng với trường hợp các ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết. Cho nên công ty không cần sắp xếp cho người lao động nghỉ bù, mà sẽ trả lương tăng ca hay làm thêm giờ như đã hướng dẫn ở trên.

Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau trao đổi về chủ đề Tìm hiểu về ca làm việc (shift)? Các lưu ý khi sắp xếp ca làm việc trong doanh nghiệp. Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!

Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook