Xem video các khóa học Nhân sự miễn phí trên Youtube. XEM NGAY

Quy trình xử lý kỷ luật lao động - Phần 3

Và trong phần cuối này, mình sẽ đưa ra một vài ví dụ thực tế và các tình huống xử lý kỷ luật lao động, các vấn đề cánh tránh để không xảy ra sai sót

Nguyên tắc vàng để Xử lý kỷ luật lao động mà bạn cần nhớ kỹ đó là: đúng trình tự, đầy đủ thủ tục, đảm bảo trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động.

Quy trình xử lý kỷ luật lao động  - Phần 3

Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học trong Khoá học C&B cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Quy trình xử lý kỷ luật lao động.

Trong phần 1 của bài học Quy trình xử lý kỷ luật lao động, mình đã cùng nhau tìm hiểu các nội dung: Các căn cứ pháp lý để xử lý kỷ luật lao động; Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động; Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là gì; Các hình thức xử lý kỷ luật lao động; Khi nào được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải; Xóa kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động là gì.

Và trong bài học Quy trình xử lý Kỷ luật lao động phần 2, chúng ta cũng đã cùng nhau đi tiếp các căn cứ pháp lý về Quy trình xử lý kỷ luật để đảm bảo sau này bạn sẽ làm đúng trình tự, thủ tục, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động. 

Và trong phần cuối này, mình sẽ đưa ra một vài ví dụ thực tế và các tình huống xử lý kỷ luật lao động, các vấn đề cần tránh để không xảy ra sai sót. Bài học này sẽ giúp các bạn tổng hợp và hiểu rõ hơn trên cơ sở lý thuyết của phần 1 và phần 2.

{tocify} $title={Xem Menu bài viết}

Ví dụ về thời hiệu trong Xử lý Kỷ luật lao động

Như mình có nhắc ở bài trước, thì thời hiệu Xử lý Kỷ luật lao động là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Điều 123 Bộ luật Lao động 2019.

Một ví dụ cụ thể về thời hiệu Xử lý Kỷ luật lao động như sau: Ngày 02/01/2020, Nhân viên A tổ chức đánh bạc và rủ rê một số nhân viên khác trong công ty tham gia tại văn phòng công ty dưới hình thức ăn tiền lớn, đây là hành vi vi phạm kỷ luật lao động có thể bị sa thải theo điều 125 Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, đến ngày 1/2/2021, công ty mới show ra dữ liệu camera và ra quyết định sa thải nhân viên A với lý do đã tổ chức và xúi giục đánh bạc trong công ty. 

Quay lại tìm hiểu Điều 123 Bộ luật lao động 2019 thì: Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng.

Như vậy kết luận: Công ty xử lý Kỷ luật nhân viên A khi đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật là sai quy định. Đồng thời, khi ra quyết định sa thải phải tiến hành theo đúng trình tự mà mình đã trao đổi trong phần 2 của bài học này.

Một lưu ý thêm cho các bạn đang đi làm cần tránh: Nếu bị kết luận có hành vi đánh bạc với đầy đủ bằng chứng trong phạm vi nơi làm việc, không phân biệt trong hay ngoài giờ làm việc, số tiền nhỏ hay lớn, người lao động vi phạm có thể bị người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.

Thế nào là tạm hoãn xử lý Kỷ luật lao động?

Mình cùng nhau tìm hiểu một tình huống về tạm hoãn xử lý Kỷ luật lao động như sau: Chị B đang mang thai và đã có hành vi làm tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty với một người bạn đang làm công ty đối thủ. Công ty nơi chị B làm việc đã có đầy đủ bằng chứng việc chị B gửi thông tin này qua email cá nhân ra bên ngoài công ty và đã lập biên bản ngay khi phát sinh sự việc, chị B cũng đã ký biên bản xác nhận lỗi.

Căn cứ theo Điều 122 và 123 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ là Công ty không được xử lý kỷ luật lao động đối với Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Vậy tức là sau khi chị B nuôi con nhỏ đủ 12 tháng tuổi, và trong vòng 60 ngày kể từ thời điểm này thì công ty mới có thể xử lý.

Xóa kỷ luật lao động là như thế nào?

Điều 126 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định rõ về việc Xóa kỷ luật lao động như sau: Người lao động bị khiển trách sau 03 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau 06 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức sau 03 năm kể từ ngày bị xử lý, nếu không tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì đương nhiên được xóa kỷ luật.

Ví dụ cho tình huống này như sau: Nhân viên C khi ra công trường không đội nón bảo hộ, và đã vi phạm nội quy lao động công ty với hình thức kỷ luật Khiển trách bằng văn bản. Và đến 4 tháng sau nhân viên C lại vi phạm không đội nón bảo hộ, vậy thì lần vi phạm này được coi là lần đầu chứ không phải là tái phạm. Vì sau 3 tháng thì vi phạm đã xảy ra trước đó của nhân viên C đã được xóa.

Họp xử lý Kỷ luật khi công ty chưa thành lập công đoàn cơ sở?

Theo Điều 122 Bộ luật lao động 2019, khi tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động thì Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên. Vậy thì, nếu công ty có công đoàn thì đại diện công đoàn sẽ tham gia, nhưng nếu chưa có công đoàn thì sẽ phải có đại diện người lao động tại cơ sở.

Theo Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 thì Tổ chức đại diện người lao động bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động. Tổ chức của người lao động được hiểu là các tổ chức đại diện cho người lao động khác so với tổ chức công đoàn cơ sở.

Đây là một điều chỉnh mà mình thấy rất linh động và hợp lý của Bộ luật Lao động 2019 về việc hướng dẫn tiến hành xử lý kỷ luật lao động.

Hành vi trộm cắp giá trị bao nhiêu thì bị sa thải?

Đây là câu hỏi khá thú vị mà các bạn làm C&B quan tâm, để trả lời câu hỏi này thì mình sẽ cùng nhau tìm hiểu một tình huống cụ thể để tìm câu trả lời cho vấn đề này bạn nhé!

Nhân viên D đang ký Hợp đồng lao động với một công ty có thời hạn là 36 tháng với vị trí phụ bếp từ ngày 02/01/2019 đến hết ngày 31/12/2022. Vào ngày 01/05/2021, nhân viên D trong một lần ra ca đã lấy một chai nước mắm và 1 kg đường bỏ vào giỏ xách cá nhân đem về. Nhưng ra đến cổng thì bị bảo vệ công ty phát hiện và lập biên bản sự việc. giá trị tài sản tương ứng 50 ngàn đồng.

Ngày 6/5/2021 công ty đã ra quyết định sa thải và gửi cho nhân viên D. Hôm sau, chị D có tới công ty để trình bày nhưng bảo vệ không cho vào. Hỏi chị D bị sa thải có đúng không?

Phân tích tình huống dựa trên quy định của Bộ luật Lao động 2019:

Theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 về việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải khiNgười lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

Căn cứ theo quy định nói trên, thì pháp luật hiện hành không quy định cụ thể mức giá trị tài sản bị trộm cắp làm căn cứ để quyết định sa thải người lao động, mà cho phép người sử dụng lao động có thể dựa vào các đặc điểm sản xuất kinh doanh của đơn vị để quyết định mức giá trị tài sản và quy định cụ thể trong nội quy lao động hoặc quy chế của doanh nghiệp để áp dụng.

Cho nên, thông thường ở các công ty sản xuất, có sản phẩm, nguyên vật liệu thường họ sẽ quy định trong nội quy lao động về hành vi trôm cắp, hình thức xử lý kỷ luật tương ứng với giá trị trộm cắp để tăng tính răn đe và làm căn cứ xử lý kỷ luật rõ ràng.

Trong một số tình huống như câu chuyện trên, nếu công ty vẫn kiên quyết áp dụng hình thức kỷ luật sa thải thì họ vẫn có thể thực hiện. Tuy nhiên, công ty cần đảm bảo thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình xử lý kỷ luật lao động như đã nêu ở phần 2 bài học này.

Cho nên, trong trường hợp ví dụ trên, công ty A ra quyết định sa thải mà không tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật là trái pháp luật lao động.

Khuyến nghị: Là công ty nên có quy định trong Nội quy lao động về giá trị tài sản mà người lao động trộm cắp là bao nhiêu tương ứng với hình thức kỷ luật nào thì sẽ chặt chẽ hơn. Đồng thời khi tiến hành sa thải người lao động phải thực hiện đúng trình tự theo bài 2 đã hướng dẫn, chứ không phải thích là ra quyết định.

Trên đây là một vài tình huống làm rõ hơn về Quy trình xử lý kỷ luật lao động, đây được đánh giá là một nhiệm vụ khó nhằn của một người làm Nhân sự vì phải tuân thủ rất nhiều quy trình, quy định và không được chủ quan, dùng quyền lực để xử lý một cách vô tội vạ.

Tóm lại 3 nguyên tắc vàng để Xử lý kỷ luật lao động mà bạn cần nhớ kỹ đó là: đúng trình tự, đầy đủ thủ tục, đảm bảo trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao độngNếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay đóng góp nào, vui lòng để lại comment bên dưới. Mình sẽ trả lời cho các bạn trong thời gian sớm nhất.

Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook