Xem video các khóa học Nhân sự miễn phí trên Youtube. XEM NGAY

Các quyền lợi khi tham gia BHXH bắt buộc

Trong bài này, mình cùng nhau tìm hiểu các quyền lợi của NLĐ khi tham gia BHXH bắt buộc, để đảm bảo bạn không bỏ sót quyền lợi của nhân viên

Trong bài này, mình cùng nhau tìm hiểu các quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc, để đảm bảo bạn không bỏ sót quyền lợi của nhân viên.

Các quyền lợi khi tham gia BHXH bắt buộc

Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học trong Khoá học C&B cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Các quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc

Trong bài học trước, mình đã cùng nhau tìm hiểu và làm quen với một số quy định quan trọng của Luật BHXH. Và mình cũng đã tìm hiểu qua các quyền lợi của người lao động khi tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng sẽ làm rõ hơn chi tiết. Để khi bạn làm C&B thì có thể hiểu và không bỏ sót quyền lợi của nhân viên. Bao gồm:1/ Ốm đau; 2/ Thai sản; 3/ Tai nạn lao động, 4/ Bệnh nghề nghiệp; 5/ Hưu trí; 6/ Tử Tuất. Mình sẽ cùng nhau đi chi tiết vào từng hạng mục bạn nhé!

{tocify} $title={Xem Menu bài viết}

Quyền lợi về ốm đau

Đối tượng hưởng:
Bản thân bị ốm đau và tai nạn: Trường hợp này thì người lao động bị ốm đau, tai nạn (không phải là tai nạn lao động) và phải nghỉ để điều trị, tức là không đi làm được. Không bao gồm trường hợp  ốm đau, tai nạn phải nghỉ do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục quy định riêng.

Con dưới 7 tuổi bị ốm đau: Người lao động phải nghỉ ở nhà để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Điều kiện hưởng: Phải có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Bạn tham khảo Mẫu C65-HD theo hướng dẫn của công văn 3533/BHXH-CĐBHXH. Các biểu mẫu thường hay thay đổi, tuy nhiên thường do bệnh viện chủ động cấp nên cũng hiếm khi phát sinh sai sót.

Thời gian hưởng: Thời gian được nhắc đến trong bài học này sẽ tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Trường hợp bản thân bị ốm đau, tai nạn, thì số ngày nghỉ tối đa/năm là:

- 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 

- 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 

- 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. 

- Tối đa 180 ngày đối với người mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày

- Bạn có thể tham khảo thêm quy định khác nếu Người lao động thuộc danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Trường hợp khi con ốm đau:

- Tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi

- Tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

- Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ

Mức hưởng quyền lợi ốm đau: Mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Quyền lợi thai sản

Đối tượng hưởng:

- Lao động nữ mang thai, sinh con, mang thai hộ, nhận con nuôi dưới 6 tháng, 

Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Điều kiện hưởng: 

- Trường hợp 1: Đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

- Trường hợp 2: Đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà không đảm bảo sức khỏe, phải nghỉ việc dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì cần phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trước khi sinh.

- Trong trường hợp người lao động đã đủ điều kiện Trường hợp 1 hoặc Trường hợp 2 mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.

Thời gian hưởng: 

Khám thai: Được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý: Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:10 ngày nếu thai dưới 05 tuần; 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Sinh con: Thời gian hưởng trước và sau sinh là 6 tháng. Nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Vợ sinh con: thì lao động nam đang đóng BHXH sẽ được nghỉ 5 ngày làm việc. Nếu sinh mổ hoặc con dưới 32 tuần tuổi thì được nghỉ 07 ngày. Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc. Nếu vợ sinh đôi trở lên mà sinh mổ thì được nghỉ 14 ngày làm việc

Con chết sau khi sinh: nếu con dưới 02 tháng tuổi thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con mất, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá 6 tháng.

Mẹ chết sau khi sinh: thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.

Nhận con nuôi: được hưởng cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Tránh thai: được nghỉ 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai hoặc 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

Mức hưởng quyền lợi Thai sản: gồm 3 phần

- Phần 1: Trợ cấp 6 tháng tiền lương theo mức lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

- Phần 2: Trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở cho lao động nữa sinh con hoặc nhận con nuôi.

- Phần 3: Hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh từ 05 ngày đến 10 ngày tùy trường hợp cụ thể. Điều kiện hưởng là trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc sau khi nghỉ thai sản, mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ chế độ này.

Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp

Điều kiện hưởng: Người bị tai nạn lao động và Bệnh nghề nghiệp phải có giám định bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì mới được hưởng chế độ này.

Tai nạn lao động: Người lao động phải bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Bệnh nghề nghiệp: Người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Mức hưởng: 

Khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần bằng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

Ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Chế độ hưu trí

Điều kiện hưởng: Từ 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ, cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035. 

Trừ một số trường hợp công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và suy giảm khả năng lao động thì áp dụng quy định đặc biệt hơn. Bạn có thể tham khảo chi tiết trong Luật BHXH nhé!

Mức hưởng: 

Trước năm 2018: được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng BHXH tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội , sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Từ ngày 01/01/2018: mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng BHXH tương ứng với số năm đóng BHXH.Nam thì từ 16-20 năm, nữ thì 15 năm, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Ngoài ra, mức hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động hay quy định trợ cấp một lần được quy định tho Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Chế độ tử tuất

Chế độ tử tuất là chế độ BHXH bù đắp phần thu nhập của người lao động dùng để đảm bảo cuộc sống cho thân nhân họ hoặc các chi phí khác phát sinh do người lao động đang tham gia quan hệ lao động hoặc đang hưởng bảo hiểm xã hội bị chết, bao gồm lúc đang hưởng chế độ hưu trí

Khi người lao động chết thì người thân hoặc những người lo mai tang sẽ được hưởng trợ cấp mai tang, trợ cấp tuất hàng tháng và trợ cấp tuất 1 lần. Mức hưởng cụ thể như sau:

Trợ cấp mai táng: Người thân của lao động bị chết sẽ được hưởng bằng 10 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở tại thời điểm T8/2021 là 1.490.000 đồng. Mức lương này sẽ có thay đổi tăng do Nhà nước quy định từng thời điểm.

Trợ cấp tuất hàng tháng : Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Trợ cấp tuất 1 lần: Khi thân nhân của người lao động có nguyện vọng muốn nhận trợ cấp này 1 lần và không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì sẽ được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (trước năm 2014) và bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi; mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trên đây là một số nội dung và kiến thức cơ bản nhất về các quyền lợi khi tham gia BHXH bắt buộc dành cho newbie, mà có khá nhiều bạn đang làm Nhân sự tay ngang vẫn chưa nắm được. Hãy dành thêm thời gian đọc kỹ Luật BHXH bạn nhé, để có kiến thức nền vững vàng hơn.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay đóng góp nào, vui lòng để lại comment bên dưới. Mình sẽ trả lời cho các bạn trong thời gian sớm nhất. Trân trọng.

Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook